Việc Liverpool chiêu mộ Florian Wirtz từ Bayer Leverkusen vào mùa hè này khiến anh trở thành cầu thủ thứ ba dưới 22 tuổi được một CLB Premier League ký hợp đồng với giá tối thiểu 100 triệu bảng trong 4 mùa giải qua, cùng với Moises Caicedo và Enzo Fernandez của Chelsea.
Tài năng trẻ rõ ràng đang có nhu cầu cao kể từ đầu thập kỷ 2020, nhưng các CLB Premier League đã thay đổi việc tuyển dụng của họ nhiều đến mức nào để thu hút những "thần đồng" sáng giá?
Một cách phổ biến để đo lường điều này là lấy độ tuổi trung bình của các bản hợp đồng mới, nhưng điều này không thể nắm bắt đầy đủ các sắc thái của việc xây dựng đội hình hiện đại. Các CLB thường chiêu mộ hàng loạt bản hợp đồng giá rẻ để lấp đầy các khoảng trống hơn là tạo nên nền tảng của một đội bóng.
Khi Arsenal trả Chelsea 5 triệu bảng cho thủ môn Kepa Arrizabalaga, đó là để dự bị cho David Raya – một vai trò được phản ánh qua mức phí khiêm tốn.
Thay vào đó, The Athletic đã tính toán độ tuổi trung bình bằng cách trọng số hóa độ tuổi của một bản hợp đồng theo mức phí của họ. Cầu thủ càng đắt tiền thì càng được coi trọng. Điều này làm giảm ảnh hưởng của các lựa chọn tạm thời và phản ánh chính xác hơn các ưu tiên tuyển dụng của CLB.
Kết quả xác nhận mức độ thị trường đã trở nên ủng hộ giới trẻ như thế nào. Độ tuổi trung bình có trọng số đã giảm xuống dưới 23 lần đầu tiên trong lịch sử Premier League vào mùa giải trước, và những dấu hiệu ban đầu từ kỳ chuyển nhượng mùa hè 2025/26 cho thấy xu hướng đó vẫn tiếp tục.
Bất kỳ cách tiếp cận nào dựa trên phí chuyển nhượng chắc chắn đều ưu ái các CLB mạnh mẽ về tài chính. Theo ước tính của Transfermarkt, Chelsea đã chi 865 triệu bảng cho các cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống kể từ khi BlueCo tiếp quản vào tháng 5 năm 2022, nhiều hơn 400 triệu bảng so với đội chi tiêu lớn tiếp theo, Man City (343 triệu bảng).
Và trong lịch sử, các CLB mạnh hơn có xu hướng mua và bán các cầu thủ trẻ hơn so với phần còn lại của giải đấu. Các nhà vô địch Premier League dẫn đầu xu hướng này và tuyển dụng cầu thủ trẻ nhất – thường khoảng 23 tuổi – sử dụng vị thế mạnh của họ để làm mới và phát triển cho mục tiêu bảo vệ danh hiệu.
Ở cuối bảng xếp hạng, các đội bóng có nguy cơ xuống hạng không có được sự xa xỉ tương tự trong việc lập kế hoạch dài hạn. Với ưu tiên là trụ hạng, họ có xu hướng ưa chuộng kinh nghiệm, ký hợp đồng với các cầu thủ trung bình lớn hơn khoảng 2 tuổi so với những người được các CLB hàng đầu chiêu mộ.
Nhưng bối cảnh đang thay đổi. Trong cuốn sách "Leading" của mình, Sir Alex Ferguson đã viết về lợi ích kép của việc trẻ hóa đội hình: “Sự chú trọng vào lớp trẻ của chúng tôi đã mang lại hai điều – nguồn tài năng cho đội một và một khoản kinh doanh phụ rất có lợi".
Trong thập kỷ cuối cùng dưới triều đại của Sir Alex, MU có độ tuổi trung bình có trọng số chuyển nhượng trẻ nhất giải đấu (23), theo sát là các gã khổng lồ tài chính khác cùng thời: Liverpool, Chelsea, Arsenal và Tottenham.
Kể từ đó, hồ sơ của các CLB tập trung nhất vào việc tuyển dụng cầu thủ trẻ so với ngân sách của họ đã thay đổi đáng kể. Nó không còn là đặc quyền của giới thượng lưu. Thay vào đó, Brighton và Brentford – các CLB được định hình bởi nguyên tắc ưu tiên dữ liệu – đã nổi lên như những đội dẫn đầu xu hướng này.
Trong khi Sir Alex đã đúng khi nhấn mạnh lợi ích tài chính của việc ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ và bán họ đi, MU và các CLB lớn khác thời đó chủ yếu mua các tài năng trẻ với ý định giữ họ ở cấp độ ưu tú trong nhiều năm tới.
Ngược lại, Brighton và Brentford tích cực hơn nhiều trong mô hình mua trẻ, bán đắt của họ, với độ tuổi trung bình có trọng số chuyển nhượng trẻ hơn hơn 1 năm so với MU trong thập kỷ cuối cùng của Sir Alex.
Không có nguồn doanh thu thương mại khổng lồ như "Big Six", cả hai CLB đã phụ thuộc rất nhiều vào việc buôn bán cầu thủ để tái đầu tư cho sự phát triển của họ. Cựu đồng giám đốc bóng đá của Brentford, Rasmus Ankersen – hiện đang ở Southampton – đã phác thảo triết lý này vào năm 2017: “Bạn muốn cố gắng ký hợp đồng với những cầu thủ đang ở đỉnh cao hoặc đang trên đường đạt đến đỉnh cao, hơn là một tài sản đang suy giảm”. Các cựu HLV của cả hai CLB, Roberto De Zerbi ở Brighton và Thomas Frank ở Brentford, từng mô tả đội bóng của mình là "các CLB bán cầu thủ".